Phương pháp kể diễn cảm của giáo viên trong hướng dẫn trẻ 5-6 tuổi làm quen với tác phẩm văn học

 Phương pháp kể diễn cảm của giáo viên trong hướng dẫn trẻ 5 6 tuổi làm quen với tác phẩm văn học

Giáo dục mầm non là bậc học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân và có vai trò quan trọng trong việc đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển nhân cách của con người. Những kỹ năng mà trẻ được tiếp thu qua chương trình chăm sóc giáo dục mầm non sẽ là nền tảng cho việc học tập và thành công sau này của trẻ. 

Văn học là một loại hình nghệ thuật giữ vai trò to lớn trong việc hình thành và phát triển nhân cách cho trẻ, là món ăn tinh thần không thể thiếu đặc biệt là lứa tuổi mẫu giáo. Nhà nghiên cứu Biêlinxki khẳng định “Một cuốn sách viết cho thiếu nhi là để giáo dục, mà giáo dục là một sự nghiệp vĩ đại, vì nó quyết định số phận con người (dẫn theo (M.K.Bogoliupxkia, V.V. Septsenko, 1978). Giá trị của những tác phẩm có ngôn ngữ nghệ thuật là ở chỗ chúng có ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ em. Những truyện kể, truyện dân gian, những bài thơ, bài ca dao là một trong những hình thức, con đường để nhận thức thế giới tự nhiên, thế giới con người, giúp các em chính xác hóa những bỉểu tượng đã có về thực tế xã hội xung quanh, từng bước cung cấp thêm những khái niệm mới và mở rộng kinh nghiệm sống cho trẻ. Văn học làm phong phú thêm cho trẻ vốn biểu tượng về cuộc sống, phát triển trí tưởng tượng, tư duy, ngôn ngữ, giúp trẻ cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên, vẻ đẹp của ngôn từ để từ đó giáo dục trẻ một cách toàn diện.

 Văn học – bộ môn vừa mang tính khoa học vừa mang tính nghệ thuật vì vậy phương pháp dạy học văn học cũng có những đặc trưng riêng. Trẻ MN chưa tự mình đọc TPVH do đó trẻ muốn cảm nhận được TPVH phải nhờ vào người lớn ở nhà và cô giáo ở trường. Cô giáo là người trung gian, là chiếc cầu nối đưa tác phẩm văn học đến với trẻ. Vì thế, kể diễn cảm có thể coi là phương pháp có tầm quan trọng đặc biệt khi cho trẻ làm quen với TPVH nói chung, truyện kể nói riêng. Lời kể càng hay, càng hấp dẫn bao nhiêu thì sẽ giúp trẻ cảm thụ được nội dung tác phẩm bấy nhiêu, là tiền đề cho trẻ bắt chước ngữ điệu, giọng điệu, lột tả tính cách nhân vật, là cơ sở phát triển ngôn ngữ, giúp trẻ tri giác toàn bộ nội dung câu chuyện và trẻ dễ dàng hiểu đầy đủ hơn nghĩa của từ bấy nhiêu. Nhờ có lời kể diễn cảm của cô trẻ sẽ hứng thú hơn khi được tiếp xúc với tác phẩm. Bên cạnh đó, giọng kể của giáo viên còn tạo ra những rung cảm, xúc cảm thẩm mĩ ban đầu của trẻ đối với tác phẩm. Nhờ có cách trình bày tác phẩm một cách nghệ thuật, cô giáo giúp trẻ dễ dàng hiểu được nội dung, kích thích khởi động và phát triển trí tưởng tượng ở trẻ, giúp các em “thấy” được các hình tượng, các khung cảnh, các tình tiết và biết đánh giá chúng đúng đắn. Lời kể của cô chính là tiền đề quan trọng để trẻ có thể học tập để tham gia các hoạt động nghệ thuật như kể lại truyện, đóng kịch TPVH. Được tiếp xúc với những mẫu mực trong lời nói giản dị, có nhịp điệu của văn học mở ra trước mắt trẻ sự biểu cảm của ngôn ngữ, lối so sánh diễn đạt sinh động và giàu hình tượng, từ đó ngôn ngữ nghệ thuật trở thành sở hữu của chính đứa trẻ.

Với lứa tuổi 5 – 6 tuổi thì việc cho trẻ làm quen với TPVH lại càng được chú trọng. Đây là giai đoạn trẻ cần được trang bị những kiến thức, kĩ năng cơ bản để bước vào con đường học tập thật sự. Làm quen với TPVH là hoạt động cơ bản giúp trẻ được rèn luyện thực hành, trải nghiệm bước đầu về nghệ thuật. Nó có ý nghĩa to lớn trong việc phát triển nhân cách, chuẩn bị cho trẻ vào trường phổ thông trong tất cả các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực ngôn ngữ. Trẻ sẽ học được cách nói biểu cảm trong giao tiếp, nói đủ câu, đúng ngữ pháp, biết được nhiều mẫu câu, mở rộng được vốn từ đặc biệt là từ ngữ nghệ thuật. Ngoài ra, khi được tham gia các hoạt động nghệ thuật như đóng kịch, kể chuyện trẻ sẽ mạnh dạn, tự tin và chủ động trong giao tiếp. Đó chính là những nội dung cần trang bị cho trẻ để trẻ vào lớp 1.

Chính vì vậy, việc kể diễn cảm có vị trí đặc biệt quan trọng trong hướng dẫn cho trẻ làm quen với TPVH. Tuy nhiên, thực tế trong quá trình quan sát hoạt động làm quen với tác phẩm văn học thì việc giáo viên sử dụng phương pháp kể diễn cảm còn nhiều hạn chế do giáo viên còn lạm dụng công nghệ thông tin, chưa đánh giá hết tầm quan trọng của phương pháp kể diễn cảm.

 

Từ những lí do trên chúng tôi chọn đề tài “Phương pháp kể diễn cảm của giáo viên trong hướng dẫn trẻ 5 – 6 tuổi làm quen với tác phẩm văn học” để nghiên cứu.

Link tải file word đầy đủ: XEM VÀ TẢI TẠI ĐÂY


Mới hơn Cũ hơn